Believe it or not, I memorized this whole thing. I used to recite it everyday in the past. I still do it, but not as often as before. I recite it whenever I can't sleep, or when I'm trouble by something. It really helps calm me down. Because I don't often recite it, I forget the last couple lines though. I'm trying to memorize the whole thing again.
Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) là một trong các kinh căn bản và phổ thông của Phật Giáo Ðại Thừa. Bài kinh nầy là một trong các bài kinh của bộ Bát Nhã kết tập tại Ấn Ðộ qua bảy thế kỷ, từ năm 100 T.C.N. đến 600 C.N. Khi được truyền sang Trung Hoa, Tâm Kinh đã được nhiều vị cao tăng chuyển dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán: ngài Cưu Ma La Thập dịch vào khoảng năm 402-412 C.N., ngài Huyền Trang dịch năm 649 C.N., ngài Nghĩa Huyền (700 C.N.), ngài Pháp Nguyệt (732 C.N.), ngài Bát Nhã và Lợi Ngôn (790 C.N.), ngài Trí Tuệ Luận (850 C.N.), ngài Pháp Thành (856 C.N.) và ngài Thi Hộ (980 C.N.). Trong các bản dịch nầy, bản dịch của ngài Huyền Trang là phổ thông nhất.
Riêng tại Việt Nam, bản dịch của ngài Huyền Trang được chuyển sang chữ quốc ngữ Hán Việt và thường dùng để trì tụng hằng ngày. Quý vị cao tăng cũng có phát hành nhiều sách để giải thích nghĩa kinh, trong đó các sách của quý Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Thích Thanh Từ, và Thích Nhất Hạnh là phổ thông nhất.
-ooOoo-
Bản tụng Hán Việt:
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.
Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô khổ, tập, diệt, đạo.
Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
-ooOoo-
Bản dịch nghĩa:
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.
Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
0 comments:
Post a Comment